Với tốc độ phát triển hạ tầng và đô thị chóng mặt như tại Việt Nam, các yêu cầu về an ninh, an toàn đối với ô tô cũng ngày một được chú trọng. Nhằm mục đích thuận lợi hơn cho các nhà quản lý phương tiện đường bộ trong công tác theo dõi, giám sát và xử lý các vấn đề phát sinh trên hành trình của xe khách, Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Đây được coi là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp phát hiện các hành vi vi phạm của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông, qua đó bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Song song với đó, quy định này cũng giúp theo dõi, giám sát hoạt động đón, trả khách đối với xe khách nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho cả lái xe và hành khách, góp phần tăng chất lượng dịch vụ và hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.

 

Lắp đặt camera giám sát trên các phương tiện thuộc quản lý của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách là điều kiện bắt buộc trong thời gian tới.

Lắp đặt camera giám sát trên các phương tiện thuộc quản lý của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách là điều kiện bắt buộc trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là thời hạn có hiệu lực, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách vẫn chưa thực sự chú ý đến điều này. Chính vì vậy, mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải đôn đốc các doanh nghiệp có liên quan nghiêm túc thực hiện lắp đặt camera trên xe khách.

Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện đúng lộ trình lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa, container, xe đầu kéo, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các tỉnh thành phố đốc thúc các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn sở hữu phương tiện thuộc nhóm phải lắp camera cần khẩn trương lắp đặt xong trước ngày 1/7/2021, căn cứ theo Nghị định 10/2020.

Việc lắp đặt camera phải đảm bảo đủ chức năng ghi chép và lưu trữ (quy định theo khoản 2, Điều 13 và khoản 2, Điều 14 Nghị định 10) và đảm bảo các yêu cầu tối thiểu (quy định tại khoản 1 Điều 1, Thông tư 02/2021 của Bộ GTVT). Bên cạnh đó, các dữ liệu hình ảnh từ camera cần được truyền với tần suất từ 12-20 lần/giờ (tương đương 3-5 phút/ lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải cũng như Tổng cục Đường bộ. Dữ liệu hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, giúp cho công tác giám sát diễn ra công khai, minh bạch.

Tổng cục Đường bộ cũng khuyến nghị, các Sở Giao thông Vận tải cần hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn các loại camera chạy trên nền tảng 4G hoặc 5G để đảm bảo tối ưu hóa hình ảnh và có thể sử dụng trong thời gian dài, tránh lãng phí khi các nhà mạng viễn thông sẽ cắt sóng 2G theo lộ trình từ Bộ Thông tin và Truyền thông.

STT Loại phương tiện chịu phí Mức thu (nghìn đồng)
1 tháng 3 tháng 6 tháng 12 tháng 18 tháng 24 tháng 30 tháng
1 Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân 130 390 780 1.560 2.280 3.000 3.660
2 Xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe đăng ký tên cá nhân); xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ dưới 4.000 kg; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng (bao gồm cả xe đưa đón học sinh, sinh viên, công nhân được hưởng chính sách trợ giá như xe buýt); xe chở hàng và xe chở người 4 bánh có gắn động cơ 180 540 1.080 2.160 3.150 4.150 5.070
3 Xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 4.000 kg đến dưới 8.500 kg 270 810 1.620 3.240 4.730 6.220 7.600
4 Xe chở người từ 25 chỗ đến dưới 40 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 8.500 kg đến dưới 13.000 kg 390 1.170 2.340 4.680 6.830 8.990 10.970
5 Xe chở người từ 40 chỗ trở lên; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 13.000 kg đến dưới 19.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo đến dưới 19.000 kg 590 1.770 3.540 7.080 10.340 13.590 16.600
6 Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg 720 2.160 4.320 8.640 12.610 16.590 20.260
7 Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 27.000 kg đến dưới 40.000 kg 1.040 3.120 6.240 12.480 18.220 23.960 29.270
8 Xe ô tô đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên 1.430 4.290 8.580 17.160 25.050 32.950 40.240

Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 293/2016/TT-BTC (Nguồn: Luatvietnam.vn)

Đơn vị quản lý này cũng lưu ý các doanh nghiệp cần kiểm tra, chạy thử các tính năng của camera, kiểm tra dữ liệu hình ảnh phải đảm bảo có đầy đủ các thông tin tối thiểu, bao gồm: số giấy phép của người lái xe, biển kiểm soát, tọa độ của xe và thời gian lưu thông thực tế trên đường (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư số 12/2020 của Bộ Giao thông Vận tải).

Mời quý độc giả theo dõi và cập nhật thêm các thông tin liên quan tới doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại đây.