Back to news room

Doanh nghiệp vận tải: Khó tiếp cận ưu đãi

Thông tư số 70/2015 đang được Bộ GTVT sửa đổi theo hướng điều chỉnh chu kỳ kiểm định ô tô chở người đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, từ 18 đến 24 tháng với chu kỳ đầu và từ 6 đến 12 tháng với chu kỳ định kỳ.

Bộ GTVT cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, xem xét và đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền. Thực tế, doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề về vận hành như gánh nặng thuế, phí cũng như khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Việc nhiều tỉnh thành bùng phát dịch phải thực hiện các hoạt động giãn cách theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua đã khiến cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp có nhiều xáo trộn. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải bộ Tân Cảng – Phạm Văn Tải cho biết, trong thời gian qua, doanh thu của doanh nghiệp đã giảm tới hơn 60%, và rất nhiều lao động đã mất việc làm.

Bên cạnh đó, theo ông Tải, quy định lắp camera theo Nghị định 10 cũng khiến doanh nghiệp tốn kém thêm các chi phí. Bởi giá mỗi bộ camera và phí dịch vụ đi kèm là khoảng 5.000.000 đồng, với đội xe hàng trăm chiếc, chi phí này là vô cùng lớn.

Các chi phí về xăng dầu (chiếm tới 35% chi phí vận chuyển) cũng đang được xem là một trong những vấn đề lớn của doanh nghiệp. Vẫn theo ông Tải, “Cơ quan chức năng nên sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này”.

Việc kinh doanh bị đình đốn không chỉ tạo nên những sức ép trực tiếp từ chi phí vận hành. Các chi phí về thuế, phí, lãi vay, các loại phí bảo hiểm cũng đang là bài toán làm đau đầu những người điều hành doanh nghiệp. Chi phí lưu kho, bến bãi cũng là một thách thức lớn khác khi việc vận chuyển hàng qua cửa khẩu đang gặp nhiều bế tắc, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Thực tế, đã có nhiều chính sách được các bộ ban ngành có liên quan triển khai nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn và giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để được hưởng những ưu đãi này, doanh nghiệp vẫn phải vượt qua rất nhiều thủ tục hành chính, đơn cử nhất là việc miễn phí bảo trì đường bộ.

Cụ thể, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên – ông Đoàn Thế Xuyên cho biết, hiện doanh nghiệp ông có 300 xe dừng hoạt động, nhưng để tiếp cận được chương trình miễn phí bảo trì đường bộ, doanh nghiệp của ông phải vượt qua rất nhiều yêu cầu rườm rà, ví dụ như xe phải dừng hoạt động 30 ngày trở lên, và phải trả lại phù hiệu và được xác nhận bởi Sở GTVT. “Có thể dịch chưa đến 30 ngày đã được chạy, sau đó lại phải xin cấp đổi phù hiệu mới. Nhiều doanh nghiệp vẫn “cắn răng” trả tiền dù xe không chạy vì ngại thủ tục”, ông Xuyên thông tin thêm.

Đối với những đơn vị vận tải hành khách, các chị phí hoạt động vẫn ngày một tăng trong bối cảnh lượng hành khách lại bị khống chế không quá 50% làm cho các doanh nghiệp càng phải chịu cảnh thua lỗ nặng nề.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần được nghiên cứu cụ thể cho từng lĩnh vực, và các điều kiện cũng cần giản đơn hơn.

Ông Quyền cũng lấy dẫn chứng một số chính sách đã ban hành thời gian qua nhưng các doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận. Ví dụ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 112/2020 về giảm phí sử dụng đường bộ, nhưng các nhà đầu tư BOT không thực hiện, vì cho rằng Bộ Tài chính cần có cơ chế chính sách với nhà đầu tư khi giảm phí BOT.

Cũng theo ông Quyền, Chính phủ cũng cần xem xét giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải bằng xe ô tô về mức 0% trong cả năm 2021, và các ngân hàng nên tiếp tục cho vay các gói chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt để các đơn vị vận tải khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Ông Quyền cũng đề xuất, thời hạn thực hiện lắp camera trên xe khách, xe đầu kéo nên được lùi tới ngày 31/7/2023.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Về đề xuất giảm phí BOT, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, Thông tư số 112 quy định mức phí sử dụng đường bộ (phí thu trên đầu phương tiện) đối với xe ô tô kinh doanh vận tải.

Việc thu phí dịch vụ đường bộ không thuộc đối tượng quy định tại Thông tư này nên các nhà đầu tư không phải thực hiện.

Bộ GTVT cũng kiến nghị với Chính phủ lùi thời điểm xử phạt doanh nghiệp vận tải không lắp camera giám sát do tác động của dịch COVID-19.

Đối với đề xuất miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm nay, theo ông Ngọc, Thông tư 112/2020 của Bộ Tài chính cho phép giảm mức thu phí sử dụng đường bộ từ ngày 1/1 đến hết này 30/6/2021, việc gia hạn này sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để góp ý nội dung các dự thảo, thông tư liên quan đến quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có thêm những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như: giảm thuế GTGT về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề bị thiệt hại bởi dịch bệnh, tăng thời gian giãn nộp thuế 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021 và không thu phí đỗ, đậu, đón khách tại sân bay, nhà ga, giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe với xe khách.

Liên quan giải pháp tháo gỡ chu kỳ kiểm định xe, Bộ GTVT đang sửa đổi Thông tư số 70/2015 theo hướng sẽ điều chỉnh chu kỳ kiểm định của ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 lên 12 tháng đối với chu kỳ định kỳ.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm xử phạt doanh nghiệp vận tải không lắp camera giám sát do tác động của dịch Covid-19.

Quý độc giả có thể cập nhật thêm các thông tin liên quan tới các doanh nghiệp vận tải hành khách tại www.kinglong.vn.

Tham khảo: Baogiaothong

Tags
Call Now Button