Kiến nghị giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị vận tải hành khách
Đại dịch COVID-19 đang gây ra rất nhiều ảnh hưởng và hệ lụy nghiêm trọng đối với ngành giao thông vận tải nói chung và nhóm đơn vị vận tải hành khách nói riêng.
Thực tế, tính riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, sản lượng hành khách đã giảm từ thời điểm được trợ giá (13-19/5) so với thời điểm trước đó 2 tháng đã giảm hơn 1 triệu hành khách (tương ứng 46%), hành khách bình quân của 1 chuyến xe giảm xuống chỉ còn 11 hành khách (cũng khoảng gần 50%).
Để giảm bớt áp lực về tài chính với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, xem xét phương án hỗ trợ, giảm lãi suất, giãn nợ đối với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đã đầu tư phương tiện và được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt danh mục dự án đầu tư (theo Đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014 – 2020) được đề xuất hưởng ngân sách hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021.
Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải đề xuất với Chính phủ xem xét việc gia hạn thời gian thực hiện lắp camera bắt buộc theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 được kéo dài đến 31/12/2023 (thay vì lộ trình bắt buộc là 1/7/2021). Sở Giao thông Vận tải thành phố cũng đề xuất với Bộ Tài chính xem xét việc miễn, giảm hoặc giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Cục Thuế thành phố xem xét phương án giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải, yêu cầu Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn chỉ đạo các đơn vị quản lý bến xe khách liên tỉnh của thành phố tiếp tục xem xét, nghiên cứu phương án để miễn phí hoặc giảm phí đón khách và giảm giá dịch vụ xe ra vào tại bến xe.
Trước đó, do diến biến phức tao của COVID-19, hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đã có rất nhiều xáo trộn. Sở đã tạm ngừng 39 tuyến xe buýt (16 tuyến có trợ giá và 23 tuyến xe buýt không trợ giá) do ảnh hưởng từ đại dịch.
Đồng thời, từ ngày 7/5, các đơn vị phải đảm bảo vận chuyển hành khách tối đa không vượt quá 50% sức chứa và không quá 30 người/chuyến, hành khách ngồi cách ghế (hoặc đứng đối với xe buýt) để đảm bảo giữ khoảng cách theo quy định.
Ngoài ra, từ ngày 22/5, các hoạt động vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, trung chuyển, xe buýt và theo tuyến cố định, các chuyến xe đều phải đảm bảo vận chuyển không quá 50% ghế ngồi và không quá 20 người trên xe.
Giống như tại Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp vận tải hành khách tại Hải Phòng đang đứng trước nhiều khó khăn khi vừa phải cố gắng duy trì hoạt động trong khi vừa giải quyết các áp lực về tài chính khác. Do đó, hiệp hội vận tải thành phố đã có kiến nghị với Chính phủ và Bộ, ngành có liên quan cần đưa ra một số giải pháp để hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng – ông Khúc Hữu Thanh Hải cho biết, doanh thu của nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách cũng như bến xe đã giảm tới 70-80%. Nhiều đơn vị phải dừng hoạt động để thực hiện một số biện pháp phòng dịch của chính phủ.
Sản lượng giảm mạnh khiến cho nguồn thu của các đơn vị không đủ trang trải các chi phí duy trì hoạt động như trả gốc và lãi vay. Điều này đẩy các doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phải phá sản.
Trước những khó khăn này, Hiệp hội vận tải Hải phòng đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải và các ban ngành liên quan có những chính sách giản nợ hoặc giảm thuế. Nổi bật nhất trong số đó là giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời hạn 12 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Ngoài ra, lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải cũng đang được kiến nghị giảm 50%. Các doanh nghiệp vận tải, bến xe hiện còn đang nợ đọng bảo hiểm xã hội cũng nhận đề xuất được giãn nộp số nợ đến hết ngày 31/12/2021 ( không tính lãi nộp chậm).
Bên cạnh đó, Hiệp hội vận tải Hải Phòng cũng ra văn bản đề nghị tăng thời hạn kiểm định với xe ô tô không kinh doanh vận tải (bao gồm xe vận tải hành khách du lịch, xe hợp đồng, taxi, xe khách theo tuyến cố định, xe buýt) lên gấp 2 lần so với quy định hiện hành đối với các xe kiểm định lần thứ 2 trở đi. Niên hạn sử dụng với các loại xe kinh doanh vận tải hành khách cũng được đề xuất điều chỉnh tăng thêm 3 năm, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi chưa có điều kiện thay thế phương tiện mới (do số km và thời gian xe vận hành giảm 70-80% so với trước khi Việt Nam công bố có dịch).
Quý độc giả có thể cập nhật thêm các thông tin liên quan tới các doanh nghiệp vận tải hành khách tại www.kinglong.vn.